Viêm xoang là tình trạng sưng viêm trong xoang (là các khoang chứa không khí xung quanh mũi và các đường dẫn bên trong mũi). Triệu chứng của viêm xoang là đau và có cảm giác bị nén ở trán, hai má và vùng quanh mắt; sung huyết và chảy mủ trong mũi; đau tai và giảm khả năng vị giác và khứu giác.
Bệnh viêm xoang có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Người bệnh có thể bị viêm xoang cấp tính hoặc viêm xoang mạn tính. Viêm xoang thường phát sinh khi thời tiết lạnh, căn bệnh này do vi rút gây ra, làm viêm nhiễm phần bên trong xoang, có thể kéo dài từ 10 - 14 ngày. Những nguyên nhân khác gây viêm xoang như dị ứng làm cho niêm mạc mũi phù nề, gây bít tắc lỗ thông xoang và nhiễm trùng, có khối u nhỏ trong mũi...
Người bệnh viêm xoang ăn gì nguy hiểm?
Chế độ ăn hợp lý
Theo bác sỹ Lương Lễ Hoàng, vì nguyên nhân nào cũng thế, dưới thể dạng nào cũng vậy, không thể tách rời hai yếu tố bệnh lý trong viêm xoang. Đó là hiện tượng viêm tấy lộ diện trên niêm mạc không chỉ ở xoang mà thậm chí trên giác mạc, nướu răng, ống tai, cổ họng... và tình trạng dị ứng. Khi chữa viêm xoang, cần chú ý để vừa kháng viêm giúp người bệnh sớm bớt khó chịu vì nhức đầu, nghẹt mũi..., vừa chống dị ứng để ngăn bệnh tái phát hay biến thể sang dạng hen suyễn, viêm phế quản...
Bác sỹ Hoàng tư vấn các thực phẩm người bệnh nên ưu tiên: Uống đủ hai lít nước trong giờ làm việc bằng cách uống đều đặn mỗi giờ; Tăng lượng kẽm dự trữ cho cơ thể vì đa số người viêm xoang thường thiếu khoáng tố này. Nếu không dị ứng với hải sản thì nghêu sò là món ăn nên được chú trọng. Nếu không được thì mễ cốc như đậu phộng, hột bí là giải pháp phòng hờ. Các loại cá biển chứa nhiều dầu béo 3-Omega như cá hồi, cá mòi, cá nục... cũng là món ăn có ích vì 3-Omega có tác dụng tương tranh với các tác chất thúc đẩy phản ứng viêm tấy trên đường hô hấp.
Theo bác sỹ Hoàng, người bệnh có thể áp dụng hoạt chất kháng sinh trong dâu tây, củ hành, gừng thay vì vội vã dùng thuốc kháng sinh đời mới rồi vô tình tiếp tay cho hiện tượng nhờn thuốc.
Ngoài ra người bệnh nên ăn nhiều các thực phẩm có sinh tố C như chanh, bưởi; bổ sung tiền sinh tố A (nhân tố cần thiết để bảo vệ cấu trúc khoẻ mạnh của niêm mạc) như khoai lang, đu đủ, bí đỏ...; và nên kết hợp các món ăn dẫn xuất từ đậu nành trong khẩu phần để cung cấp canxi, khoáng tố cần thiết cho chức năng chống dị ứng của tuyến thượng thận.
Người bị mắc bệnh xoang nên tránh tất cả các món ăn đã từng gây dị ứng; tất cả các loại thực phẩm công nghệ có chứa bột sữa vì đây có thể là yếu tố xúc tác cho phản ứng dị ứng dẫn đến viêm xoang; không nên uống nước quá lạnh.
"Muốn điều trị viêm xoang không thể loại bỏ biện pháp cách ly với môi trường ô nhiễm và dùng thuốc đặc hiệu. Vì bệnh có khuynh hướng dễ tái phát và chắc chắn đến lúc nào đó sẽ tái phát nên người bệnh khó tránh phản ứng phụ của thuốc. Biết cách ăn uống mỗi lần viêm xoang chính là giải pháp giúp thu ngắn liệu trình để nhờ đó góp phần giới hạn phản ứng phụ của dược phẩm." - bác sỹ Hoàng tư vấn.
Chưa có Bình Luận " Người bệnh viêm xoang ăn gì nguy hiểm? "